Với tình hình hội nhập kinh tế hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa là một trong những mắt xích quan trọng giúp thúc đẩy các giao dịch kinh doanh. Hóa đơn là một chứng từ quan trọng để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Không chỉ thắc mắc về lưu trữ hóa đơn điện tử như thế nào, về cách khấu trừ thuế GTGT đầu vào ra sao, nhiều kế toán còn lúng túng trong việc không biết mức phạt khi vận chuyển hàng hóa trên đường không có hóa đơn là bao nhiêu. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.
1. Khi vận chuyển hàng hóa có bắt buộc phải có hóa đơn không?
Thông tư 39/2014/TT-BTC có hướng dẫn về việc tao, lập hóa đơn của doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ, theo đó, khi bán hàng hóa, bên bán phải lập và giao hóa đơn cho bên mua đối với hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên và hàng hóa có giá trị dưới 200.000 đồng khi bên mua có yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Từ quy định trên có thể thấy, khi vận chuyển hàng hóa trên đường đối với những trường hợp trên thì phải có hóa đơn. Nếu hàng hóa vận chuyển trên đường mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Mức xử phạt khi vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn
Theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Cùng với việc bị xử phạt, doanh nghiệp phải lập hóa đơn giao cho người mua (Điểm b khoản 4 Điều 38 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (khoản 4 Điều 3 Nghị định 49/2016/NĐ-CP).
2.2. Xử phạt về hành vi trốn thuế
a. Hình thức xử phạt chính:
– DN bị phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 166/2013/TT-BTC) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên;
– Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba mà có một tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
Điểm lại một số đặc điểm đặc trưng của hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử có áp dụng cho hóa đơn xuất nhập khẩu không?
b. Hình thức xử phạt bổ sung:
Ngoài hình thức phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.
Số tiền thuế trốn, gian lận là số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.